CHIẾC SẬP GỖ CỦA VUA GIA LONG

Trong số những hiện vật gỗ thời Nguyễn mà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ, có một hiện vật có nguồn gốc rất đặc biệt, đó chính là chiếc sập gỗ cẩn ngà mang số kiểm kê BTLS.1578. Theo tài liệu lưu trữ tại bảo tàng thì đây là chiếc sập của vua Gia Long vốn thuộc sưu tập của Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), đến năm 1954 thì được chuyển giao cho Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh). .

 Tổng thể chiếc sập gỗ. Hiện vật đang được trưng bày tại phòng thời Nguyễn

Chiếc sập có hình chữ nhật với kích thước: chiều dài 2,15m, chiều rộng 1,76m và chiều cao 0,48m. Mặt sập được cấu tạo bởi 5 tấm gỗ dày, phẳng và bóng loáng. Bao quanh 5 tấm gỗ này là một khung viền có bề rộng là 14,5cm, cao 4cm. Đặc biệt, ở bốn mặt bên của khung viền là các đề tài trang trí được thể hiện bằng kỹ thuật cẩn ngà và xương (đồ án dây hoa cúc) kế hợp cùng kỹ thuật khảm xà cừ (đồ án chữ “Thọ”, chữ “Công”). Sập có 4 chân quỳ và được trang trí họa tiết dây hoa sen cách điệu. Bốn chân sập được liên kết với nhau bằng các thanh gỗ tạo thành khung đế hình chữ nhật, tạo thế vững chắc cho tổng thể chiếc sập.  


Chi tiết của từng mảng trang trí trên chiếc sập

  Tạo nên vẻ mỹ thuật nhất cho chiếc sập chính là diềm trang trí được nối giữa các chân sập. Phần trên của diềm là một khung gỗ hơi thắt lại, trên khung này trang trí các hình tròn tiếp tuyến có đường kính 2cm. Các hình tròn được phân cách bởi một đường cẩn ngà theo chiều dọc. Ở mỗi đường tròn đều được khảm xà cừ vòng trong và cẩn ngà vòng ngoài. Nối tiếp phía dưới là một khung trang trí dạng bao lam với các đồ án dây lá và hoa sen bao quanh. Trong đó, hoa sen ở giữa có kích thước lớn hơn và được thể hiện đang nở rộ.
Sập được làm từ gỗ trắc, đây là loại gỗ quý nên màu sắc của chiếc sập rất đẹp và bóng. Bên cạnh đó, chất liệu được sử dụng để trang trí gồm: ngà, xương, xà cừ - đều là những chất liệu quý, thường xuất hiện trên các đồ vật trong cung đình. Ngoài ra, những hoa văn trang trí trên sập đều mang ý nghĩa cát tường như: Hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết và cao quý; hoa cúc là biểu tượng cho sự thanh đạm, là sức mạnh của thiên nhiên đem lại hạnh phúc cho con người; chữ “Thọ” mang hàm ý chúc tụng sống lâu và trường tồn… Tất cả đã mang lại vẻ đẹp sang trọng và ý nghĩa sâu sắc cho chiếc sập./.

Tài liệu tham khảo:
1. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 38, tập 6, Nxb Thuận Hóa, Thừa Thiên – Huế.
2. Thái Văn Kiểm, Trương Bá Phát (1974), Chỉ nam về Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản.
3. Trịnh Thị Hòa (1994), “Về Chiếc sập gỗ cẩn ngà của vua Gia Long”, Tạp chí Khảo cổ học số 1/1994, Viện khảo cổ học.

 

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP