Công tác bảo đảm hậu cần trận Ngọc Hồi - Đống Đa Tết Kỷ Dậu (1789)

Cuối năm 1788, lợi dụng sự phản bội của tập đoàn phản động phong kiến ở Đàng ngoài do Lê Chiêu Thống cầm đầu, nhà Thanh quyết định tiến hành xâm lược nước ta. Chúng huy động lực lượng bộ binh gồm 20 vạn quân chiến đấu và gần 10 vạn phu làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế hậu cần, do tổng đốc Tôn Sĩ Nghị làm thống soái.

Di tích lịch sử gò Đống Đa
(Nguồn: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.vn/)

Ngày 20/11/1788, quân Thanh tiến vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Ngay sau đó, Tôn Sĩ Nghị tạm dừng cuộc tấn công và bố trí phòng thủ: Đại bản doanh chỉ huy đóng ở cung Tây Long (chính đông nam thành Thăng Long); đạo quân chủ lực do y trực tiếp chỉ huy đóng ở hai bờ sông Hồng, ở giữa có bắc cầu phao đi lại. Đạo quân thứ hai do Sầm Nghi Đống chỉ huy, đóng quân ở Khương Thượng. Đạo thứ ba do Ô Đại Kinh chỉ huy, tiến sang sau, đóng quân ở Sơn Tây. Đạo quân thứ tư đóng ở Hải Dương. Ba đạo quân thứ hai, thứ ba và thứ tư tạo thành một tuyến phòng thủ bảo vệ cả ba mặt thành Thăng Long, có thể liên hệ tiếp ứng cho nhau dễ dàng khi bị quân Tây Sơn tấn công; đồng thời, có thể triển khai theo các hướng cùng với đội quân chủ lực ở Thăng Long để mở cuộc phản công xuống phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn của quân Tây Sơn.
Ngày 21/12/1788, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân nhận được tin báo khẩn cấp của tướng Ngô Văn Sở, lập tức mở cuộc hành quân thần tốc ra Bắc. Xuất phát từ Phú Xuân, Quang Trung dừng chân ở Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung thêm quân số và các mặt vật chất bảo đảm hậu cần. Từ Phú Xuân đến Thanh Hóa, Quang Trung "vừa đi vừa thu nhặt thêm lính", cứ ba xuất đinh lấy một người lính. Chưa mấy lúc đã tuyển được hơn 1 vạn quân, đưa tổng số đại quân Nguyễn Huệ lên đến hơn 10 vạn và hàng trăm voi chiến. Ngày 15/01/1789, quân Tây Sơn tập kết ở vùng Tam Điệp, Ninh Bình và từ đây Quang Trung quyết định mở cuộc tiến công lớn nhằm tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược.
Đêm 25/01/1789, quân Tây Sơn hạ đồn Gián Khẩu do quân của Lê Chiêu Thống đóng giữ; tiếp đó, lần lượt tiêu diệt các đồn quân Thanh ở phía bắc sông Nguyệt Quyết, đồn Nhật Tảo. Ngày 28/01, quân Tây Sơn đánh chiếm đồn Hà Hồi nhanh gọn, bí mật, buộc toàn bộ quân địch phải đầu hàng, thu được rất nhiều vũ khí, lương thực.
Mờ sáng ngày 30/01/1789 (tức mồng 5 tết Kỷ Dậu), quân Tây Sơn tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Mở đầu trận đánh, đội tượng binh gồm hơn 100 voi chiến xông vào tiến công. Đội kỵ binh thiện chiến của giặc ra nghênh chiến liền bị đánh tan nhanh chóng. Địch cố dựa vào chiến lũy để cố thủ, nhưng lực lượng xung kích của quân Tây Sơn xông lên đánh giáp lá cà với địch trên chiến lũy, "thế của quân Tây Sơn ồ ạt như nước thủy triều dâng, quân hợp lại đông như kiến cỏ". Trước sức tấn công mãnh liệt của quân Tây Sơn, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt ngay tại trận, một số bỏ chạy hốt hoảng, chạm phải địa lôi cạm bẫy của chính chúng đặt ở ngoài đồn, bị chết rất nhiều; một số khác chạy tháo về phía bắc, nhưng bị quân ta bố trí chặn lại, dồn về phía Đầm Mực (phía tây làng Quỳnh Đô), tại đây, đạo quân Tây Sơn do Đô đốc Bảo chỉ huy đã phục sẵn liền xông ra tiêu diệt.
Bị đánh bất ngờ và trước khí thế tấn công mãnh liệt của quân Tây Sơn, quân Thanh hỗn loạn "đang lúc đêm tối, tự xéo lên nhau mà chạy…". Các mũi tiến công của quân Tây Sơn lao vào chém giết như vào chỗ không người. Đồn Khương Thượng bị tiêu diệt nhanh chóng, tướng chỉ huy đồn là Sầm Nghi Đống quá khiếp sợ phải thắt cổ tự tử. Tiếp đó, quân ta đánh chiếm đồn Nam Đồng và nhanh chóng tiến vào cửa Tây thành Thăng Long.
Tôn Sĩ Nghị nghe tin đồn Khương Thượng đã bị quân Tây Sơn chiếm, hốt hoảng dẫn tàn quân tháo chạy tán loạn qua cầu phao sông Hồng, rút lên phía bắc, chạy về nước. Bọn bán nước Lê Chiêu Thống hết đường dựa dẫm cũng tháo chạy theo chân để trốn tránh sự trừng phạt của Nhân dân.
Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, từ Phú Xuân, quân Tây Sơn đã vượt hơn 650 km, tổ chức trận quyết chiến chiến lược trên một mặt trận khá rộng và sâu hơn 80 km (nếu tính cả cuộc truy kích địch tháo chạy thì chiều sâu tác chiến dài hơn 200 km), giành thắng lợi to lớn, rất nhanh chóng: Đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh đang chốt giữ các đồn bốt, có các căn cứ khá kiên cố, vũ khí trang bị khá mạnh, lương thực (mang theo và cướp bóc tại chỗ) khá nhiều. Từ Nam Quan tới Thăng Long, địch có 18 kho quân lương; các đồn địch từ Thăng Long đến phía bắc sông Gián Khẩu (Ninh Bình), dự trữ đầy đủ lương thực... Lê Chiêu Thống còn ra lệnh chỉnh lý kho và đốc thúc các địa phương phải nộp thóc cho quân Thanh.
Thắng lợi to lớn của trận Ngọc Hồi - Đống Đa cho thấy tài năng lỗi lạc của Nguyễn Huệ không chỉ về nghệ thuật tác chiến mà cả trong tổ chức bảo đảm hậu cần và có thể khái quát ở mấy nét chủ yếu sau:
Một là, nghĩa quân đã chú trọng xây dựng và phát triển tổ chức bảo đảm hậu cần ngày càng vững mạnh.
Đến đầu năm 1789, nghĩa quân Tây Sơn đã qua một quá trình 18 năm xây dựng lực lượng chiến đấu nên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu về bảo đảm hậu cần cho một đội quân lớn luôn phải cơ động trên nhiều chiến trường, đã đánh thắng nhiều kẻ thù. Tổ chức hậu cần của quân đội Tây Sơn đã hoàn chỉnh vào thời gian này và đã hoạt động có hiệu quả, đáp ứng kịp đòi hỏi của yêu cầu chiến đấu.
Nghĩa quân Tây Sơn đã có một hậu phương chiến lược vững chắc ở miền Trung, đã ổn định được tình hình miền Nam, lực lượng vật chất qua 18 năm xây dựng và phát triển đã khá dồi dào. Những lần tấn công ra Bắc diệt bọn phong kiến phản động và bọn lộng quyền ở Đàng ngoài (năm 1786 và 1788) là những đợt tấn công nhanh chóng, được bảo đảm hậu cần chặt chẽ. Năm 1786, tiến công ra Đàng ngoài diệt nhà Trịnh, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 11/7 - 21/7/1788), quân Tây Sơn đã dùng tới 1.400 chiến thuyền các loại để hành quân và vận chuyển vật chất đánh chiếm gọn được hơn 100 vạn hộc thóc trong kho Vị Hoàng (Nam Định), huy động Nhân dân xay giã và vận chuyển, chuẩn bị cho quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long. Tháng 4/1788, Nguyễn Huệ đốc lĩnh bộ binh và kỵ binh trong 10 ngày tiến quân ra Thăng Long trừng trị Vũ Văn Nhậm lộng quyền.
Hai lần tiến quân trên đã tập dượt về bảo đảm hậu cần cơ động, khiến quân Tây Sơn có nhiều kinh nghiệm quý báu về huy động hậu cần trong Nhân dân ở các địa phương đi qua trong quá trình hành quân và tổ chức bảo đảm cho các trận quyết chiến chiến lược.
Hai là, dựa vào Nhân dân và hậu cần tại chỗ để kịp thời bảo đảm cho cuộc hành quân lớn, thần tốc.
Tổ chức bảo đảm cho cuộc hành quân lớn và thần tốc từ khi xuất phát cho đến khi bước vào trận đánh mà binh sỹ sức vẫn khỏe, khí thế chiến đấu hăng hái, vũ khí, lương thực đầy đủ như quân Tây Sơn trong trận này là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Bởi hồi đó, đường, cầu rất xấu, một đạo quân đông tới 10 vạn người phải hành quân (đội quân tiên phong dùng 400 chiến thuyền, đạo chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy dùng hơn 1.000 chiến thuyền) trên chặng đường dài hơn 650 km có rất nhiều khó khăn, công tác bảo đảm hậu cần phải có nhiều biện pháp sáng tạo và tổ chức chu đáo, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân mới đáp ứng được. Giáo sĩ Bít-xa-se (De la Bissachère) có mặt ở nước ta thời đó đã viết trong hồi ký: "Khi được tin quân Thanh xâm lược, Quang Trung lập tức tiến ra Bắc Hà, ông đi suốt ngày đêm, dọc đường dùng quyền lực thu nạp tất cả những người có thể cầm được vũ khí, ông không có lương thực nào khác ngoài lương thực tìm thấy trong các làng mà ông đi qua".
Trên đường hành quân, Quang Trung nghỉ tại Nghệ An và Thanh Hóa 10 ngày để bổ sung thêm quân số, lương thực, khí giới. Ngày 15/01/1789 đến Tam Điệp, sau khi chấn chỉnh lại lực lượng, quân Tây Sơn triển khai các mũi tiến công chiến lược. Như vậy, thời gian thực tế hành quân chỉ chiếm khoảng 20 ngày, tốc độ trung bình khoảng hơn 30 km/ngày. Đó là một tốc độ hành quân rất cao trong điều kiện kỹ thuật, đường sá, sông ngòi và phương tiện cơ động hành quân thời bấy giờ. Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi: "Quân Tây Sơn hành quân như bay". Các giáo sĩ phương Tây sang truyền đạo ở nước ta lúc đó cũng công nhận quân Tây Sơn "đánh đâu được đó, một người địch nổi 10 người, chạy rất nhanh, bơi rất giỏi". Chính Nhân dân các địa phương đã giúp đỡ nghĩa quân Tây Sơn trong các việc khiêng, vác chiến cụ; lo ăn, uống; vận chuyển, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Nhờ vậy, đã tổ chức bảo đảm hậu cần tốt cho cuộc hành quân của nghĩa quân, góp phần trực tiếp vào thắng lợi trong trận đánh quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa.
Ngoài ra, quân Tây Sơn còn huy động nhiều phương tiện khác để làm công tác vận chuyển. Hàng trăm con voi được huy động vận chuyển những khẩu súng nặng, hoặc chở vũ khí, trang bị, lương thực và đồ quân nhu cơ động theo đội hình hành quân. Hàng trăm con ngựa thồ huy động từ căn cứ vào việc chuyển tải hàng hóa... Trên tuyến đường thủy, nhiều loại thuyền được huy động để vận chuyển các loại quân dụng, lương thực cho đạo quân lớn đi đánh trận. Tháng 9/1788, một sĩ quan Pháp viết về tình hình vận chuyển của quân Tây Sơn như sau: "Tây Sơn rất mạnh, quân đội của Nguyễn Huệ nếu không thiện chiến thì cũng rất đông. Nguyễn Huệ có voi để kéo pháo và hơn nữa, Nguyễn Huệ có rất nhiều chiến thuyền, chiến hạm và tàu thuyền để chuyên chở quân đội".
Ba là, nghĩa quân đã được bảo đảm hỏa lực chiến đấu khá mạnh.
Năm 1784 - 1785, trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, trung bình 5 nghĩa quân Tây Sơn có 01 khẩu súng, thì trận Ngọc Hồi - Đống Đa, cứ 2 - 3 nghĩa quân có 01 khẩu súng; với hơn 10 vạn người, nghĩa quân có 3 - 5 vạn khẩu súng. Riêng số đại bác trang bị trên các chiến thuyền của mũi tiến công thứ 4 do Đô đốc Tuyết chỉ huy và mũi tiến công thứ 5 do Đô đốc Lộc chỉ huy đã lên tới hàng trăm khẩu cùng lượng đạn dược khá lớn. Số đại bác trang bị cho đội tượng binh cũng có hàng trăm khẩu. Số lượng đại bác đó chủ yếu là do nghĩa quân tự sản xuất và một số không nhỏ là thu được trong các trận đánh thắng bọn phong kiến Nguyễn và xâm lược Xiêm ở Đàng trong, cũng như của quân đội phong kiến Trịnh - Lê ở Đàng ngoài.
Loại súng "hỏa hổ" là một thành công lớn về sản xuất vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn đã phục vụ đắc lực cho trận Ngọc Hồi - Đống Đa, là nỗi kinh hoàng cho quân Thanh. Hỏa hổ xuất hiện từ hồi quân Tây Sơn đánh Gia Định năm 1777, hơn 10 năm sau vũ khí này đã được hoàn chỉnh và quân Tây Sơn sử dụng rất hiệu quả. Vì vậy, trong 8 điều Quân luật của Tôn Sĩ Nghị, hắn dành hẳn Điều 5 để dạy cách đề phòng và trấn an tinh thần binh sĩ khi gặp vũ khí này: "Quân Nam (tức là quân Tây Sơn) không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun lửa làm lợi khí gọi là "hỏa hổ". Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải lui. Nhưng tài nghệ của họ cũng chỉ có thế mà thôi, so với súng ống của ta (tức quân Thanh) thì còn kém xa. Hiện, ta đã chế vài trăm lá chắn bằng da trâu sống, nếu gặp "hỏa hổ" của người Nam phun lửa thì quân ta một tay cầm lá chắn đỡ lửa, một tay cầm dao chém bừa, chắc rằng chúng phải bỏ chạy tan tác".
Bốn là, trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa còn thể hiện rõ vai trò to lớn của hậu cần nhân dân tại chỗ.
Nhân dân vùng Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng đã nô nức mang nhiều quà Tết như bánh chưng, rượu, thịt và nhiều lương thực ủng hộ nghĩa quân. Nhân dân vùng Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng còn đem cả những tấm cửa, ván nằm, hàng trăm đống rơm rạ và tự nguyện lấy cả các tấm ván cửa đình, của chùa… ủng hộ nghĩa quân để làm thành những tấm mộc che đỡ tên, đạn. Điều đó không chỉ có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, mà còn góp phần trực tiếp giải quyết kịp thời nhu cầu bảo đảm hậu cần.
Trong số nghĩa quân hy sinh ở trận Ngọc Hồi, có một phụ nữ quê ở Sơn Nam (Hà Nam và Nam Định ngày nay). Vì muốn báo thù cho cha mẹ bị quân Thanh giết, bà xin Quang Trung cho tham gia phục vụ nghĩa quân để góp phần đánh giặc cứu nước, trả thù nhà. Bà được giao nhiệm vụ nấu cơm nước cho quân sĩ và đã hy sinh trong trận đánh quyết định ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cùng với chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng... là những chiến công oanh liệt, mãi mãi là niềm tự hào của mỗi con dân đất Việt các thế hệ. Trong chiến công ấy, có phần đóng góp quan trọng của công tác hậu cần. Kế thừa và phát triển các bài học lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta nhất định bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tìm hiểu công tác hậu cần thời xưa, Tổng cục Hậu cần, 1977.
2. Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb QĐND, 1976.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang

  Theo Cục Kinh tế Quân đội

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP