KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “HOA NỞ TỪ ĐẤT – HOA TRONG NGHỆ THUẬT GỐM SỨ PHƯƠNG ĐÔNG”

Sáng ngày 25/12, nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11) và chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông”. .

Đến tham dự khai mạc có sự hiện diện của các vị khách quý: PGS.TS Đặng Văn Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM; TS. Nguyễn Quốc Mạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ Ông Lê Thanh Nghĩa – Chủ tịch Hội Cổ vật TP.Hồ Chí Minh; Cùng đại diện các Bảo tàng trên địa bàn thành phố, Bảo tàng Lịch sử Văn hóa - trường Đại học KHXH&NV – ĐH QG TP.HCM, trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TP.HCM, các nhà sưu tập tư nhân, các nhà nghiên cứu, các đơn vị truyền thông, báo đài…


TS.Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi khai mạc, TS.Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng cho biết trưng bày này là lời tri ân đến các nghệ nhân gốm, những người đã không ngừng sáng tạo để lưu giữ và phát triển một ngành nghệ thuật truyền thống, tri ấn đến những nhà sưu tập đã lưu giữ và ký thác, gửi gắm các hiện vật/sưu tập tâm huyết cho Bảo tàng lưu giữ và giới thiệu đến công chúng. Đồng thời, cũng là cơ hội để mỗi chúng ta thấu hiểu hơn giá trị của nghệ thuật gốm sứ trong quá khứ và tương lai phát triển của chúng trong đời sống hiện đại.
Chuyên đề giới thiệu đến công chúng hơn 150 hiện vật gốm được trang trí các loài hoa bốn mùa trong văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, phần lớn là các hiện vật gốm Việt Nam có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20: Gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê, gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất dưới thời Nguyễn… Tất cả được sắp xếp theo 4 mùa với các loài hoa tượng trưng:
- Hoa mùa xuân trên gốm sứ: Hình ảnh của ba loại hoa là hoa mai, hoa đào và hoa mẫu đơn luôn là đề tài được sử dụng để chuyển tải cảnh sắc rực rỡ của mùa xuân. Các loại hoa này trên đồ gốm đều được thể hiện đang nở rộ, căng tràn sức sống và còn được tổ điểm thêm bằng các con vật như chim, bướm, ong… bay dập dìu.  
- Hoa mùa hạ trên gốm sứ: Đại diện cho mùa hạ có hoa sen và hoa lan, trong đó hoa sen được thể hiện có phần phong phú và đa dạng hơn: Lúc thì đặc tả một hoa sen đang nở, khi thì là một khóm sen hay đôi lúc chỉ là những hình sen cách điệu đơn giản. Bên cạnh đó, hoa lan cũng được sử dụng trang trí trên một số hiện vật, đặc biệt là dòng gốm Chu Đậu.
- Hoa mùa thu trên gốm sứ: Loài hoa duy nhất gắn với mùa thu đó là hoa cúc. Do đó trên sản phẩm gốm sứ, hoa cúc được khai thác tối đa với kỹ thuật chế tác và phong cách mỹ thuật rất đa dạng: Có những chiếc bát được chạm khắc bằng những đường xuyên tâm để tạo ra họa tiết cánh hoa cúc cả bên trong lẫn bên ngoài; Hay một số chiếc bình, chiếc ấm với bề mặt được vẽ họa tiết dây hoa cúc trải dài, tạo nên cảm giác vừa nhẹ nhàng, thanh thoát vừa cân đối chặt chẽ, tự nhiên và gần gũi.
- Hoa mùa đông trên gốm sứ: Gắn với mùa đông là hai loài cây có phần đặc biệt, đó là tùng và trúc. Trên đồ gốm sứ, hình ảnh của hai loài cây này có thể xuất hiện ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp. Nếu ở dạng đơn lẻ, mỗi loại cây sẽ được nghệ nhân thể hiện theo những phong cách khác khác nhau. Ở dạng kết hợp thì tùng và trúc sẽ được kết hợp cùng hoa mai để tạo thành đề tài “Tuế hàn tam hữu” (Ba người bạn trong mùa đông).


Đại biểu cắt băng khai mạc chuyên đề

  Chuyên đề “Hoa nở từ Đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông” được diễn ra từ ngày 25/12/2024 đến hết ngày 31/3/2025 tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Một số hình ảnh trưng bày chuyên đề: 


   

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP