KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ: “LONG VÂN KHÁNH HỘI – HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM”
Sáng ngày 25/12, Bảo tàng Lịch TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”.
Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Trương Kim Quân – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa - Sở Văn hóa và Thể Thao TP.HCM, TS. Nguyễn Quốc Mạnh – PGĐ Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, bà Lê Tú Cẩm – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, ông Lê Thanh Nghĩa – Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các bảo tàng trong thành phố, bảo tàng các tỉnh khu vực phía Nam như Bảo tàng Long An, Bảo tàng Kiên Giang, Bảo tàng Vĩnh Long,…và các nhà sưu tập.
Đại biểu tham dự tọa đàm
Rồng là một biểu tượng văn hóa, là một sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên – xã hội. Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển của các dân tộc, hình tượng Rồng còn được gắn các ý nghĩa mới, phù hợp với tính chất thời đại như biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng. Trong tâm thức của người Việt, rồng là cội nguồn của dân tộc - đi ra từ truyền thuyết; trong tư duy nông nghiệp là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu.Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trên trang phục; trong đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.
Chuyên đề giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật của bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân. Các hiện vật được chia thành các chủ đề như hình tượng rồng trong cung đình với các hiện vật đồ ngự dụng thời Lê Trịnh và thời Nguyễn do triều đình đặt hàng Trung Quốc sản xuất hay long bào thêu hình rồng năm móng; Hình tượng rồng trong công trình kiến trúc được thể hiện qua các hiện vật đất nung; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt với các nhóm hiện vật đa dạng và phong phú về loại hình, chất liệu như bàn ủi đồng, hộp gỗ, ống cắm nến,...; Hình tượng rồng trong tín ngưỡng tôn giáo được thể hiện qua các nhóm hiện vật lư hương, bát nhang, ngai thờ,…
TS. Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc
TS. Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết: Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là một biểu tượng văn hóa mà còn mang trong mình những giá trị tinh thần sâu sắc và ý nghĩa nhân văn; thể hiện sự nối kết giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng kiêu hãnh và lòng tự hào của người Việt trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội.
Chuyên đề này có ý nghĩa là nơi hội tụ những điều tốt lành, mong ước một năm Rồng hạnh phúc đến, cùng khát vọng “chuyển mình, vươn lên” của đất nước, dân tộc!
Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng trao tặng hoa cùng giấy khen của Sở Văn hóa và Thể Thao TP.HCM cho các nhà sưu tập đã có những đóng góp cho hoạt động của Bảo tàng cũng như trưng bày chuyên đề lần này.
TS. Hoàng Anh Tuấn tặng hoa cho các nhà sưu tập
Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề
Chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 25/12/2023 đến ngày 31/3/2024