KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5/1886 – 1/5/2021)
Trong cuộc đấu tranh chống giới chủ tư bản của giai cấp công nhân thế giới, C.Mác đã dự báo: việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản tại mỗi nước. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Genève (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nơi có công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Và từ những yêu sách chính đáng đó của giai cấp công nhân nước Anh, dần dần lan sang các nước khác, như: Pháp, Mỹ và một số nước khác.
Tại Mỹ, trong thời kỳ này sản suất công nghiệp đã mở rộng, nhanh chóng phát triển thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới những năm 80 thế kỷ XIX. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc từ 14-18 giờ/ngày; người lao động, nhất là phụ nữ, lao động quần quật không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày, hầu như khắp nước Mỹ.
Đúng theo quy luật dự báo của C.Mác “nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh”, vì không thể chịu đựng với chế độ bóc lột tàn khốc của giai cấp tư sản, phong trào đấu tranh đình công, bãi công của công nhân tại Mỹ đã bùng lên với đòi hỏi bức thiết là tăng lương, giảm giờ làm, cùng với phong trào đấu tranh của công nhân là sự ra đời và phát triển phong trào công đoàn, đại diện cho công nhân. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng các xí nghiệp tư nhân tại Mỹ vẫn giữ nguyên ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ, gây nên căng thẳng cho mỗi công nhân.
Vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn lao động Mỹ, công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Tại đây, với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, người lao động, buộc chính quyền tư sản rơi vào thế bị động, đối phó.
Ngày 3/5/1886, hơn 6.000 công nhân tổ chức bãi công, mít tinh, biểu tình, những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp tàn bạo, có 9 công nhân bị giết, 50 người bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ của công nhân đã diễn ra ở Quảng trường Haymacker để phản kháng hành động của cảnh sát. Lấy cớ công nhân gây náo loạn thành phố, chính quyền mở cuộc khủng bố tàn khốc đã làm hơn 200 người chết và bị thương; nhà tù tại thành phố Chicago đã chật ních những người tham gia đấu tranh vì công lý và việc làm của công nhân.
Những cuộc biểu tình tại Chicago diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt...
Cuộc tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886 đã gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Hơn một năm sau, ngày 11/11/1887, các thủ lĩnh cuộc đấu tranh bị chính quyền Mỹ treo cổ. Phong trào tuy bị đàn áp dã man, nhưng đã buộc chính phủ phải ban hành đạo luật, quy định ngày làm 8 giờ cho công nhân.
Để ghi nhận những thành quả đấu tranh bất khuất của phong trào công nhân các nước, trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày lịch sử 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động của người lao động trên toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890, lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý… và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”... đã được công nhân thế giới đồng tâm, hiệp lực cùng đấu tranh, thành hiện thực.
Ngày Quốc tế Lao động (1/5) trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm tôn vinh lao động và gây dựng tình đoàn kết lao động; là ngày hội giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày Quốc tế Lao động là một mốc son bất khuất của người lao động, đã dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của mình.
* Công nhân, nhân dân lao động Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 1/5
Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp vào khai thác thuộc địa đã lập ra nhiều nhà máy, xí nghiệp. Vào ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân ở Đà Nẵng, đã biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Tháng 8/1925, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc)... Những cuộc đấu tranh đầu tiên này, đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, mốc son trong phong trào công nhân Việt Nam phát triển từ “tự phát” đến “tự giác”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930); trong Cương lĩnh đầu tiên của mình, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930, đã mở đầu cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Đặc biệt, tại Nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh); nhà máy cưa, nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng ngàn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng ta lãnh đạo, nhằm đòi quyền làm việc 8 giờ/ngày.
Trong phong trào cách mạng 1936 - 1939, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít tinh ngày 1/5/1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô). Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 16 giờ ngày 1/5/1938, nhưng ngay từ xế trưa, trên nhiều ngã phố, những dòng người tham gia mít tinh đã tràn ra các tuyến đường. Tổng cộng có trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động.
Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ Lễ Quốc tế Lao động (1/5).
Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước cho đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là tổ chức đại diện cho công nhân, người lao động Việt Nam, thường xuyên chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân, người lao động, cũng như thực hiện các chính sách về ngày, giờ công, chế độ công đoàn, chế độ tiền lương… nhằm thực hiện theo đúng pháp luật lao động Việt Nam.
Ngày nay, trong điều kiện đất nước ta mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc đầu tư của các doanh nghiệp, trong và ngoài nước đã mở ra nhiều thuận lợi cho giải quyết việc làm, nên việc chăm lo đời sống, việc làm, đi cùng bảo vệ quyền lợi công nhân, người lao động đã trở thành mục tiêu quan trọng. Đây là điều mà tổ chức công đoàn các cấp đã và đang thực hiện thường xuyên.
Kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5, gắn với Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động; Kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để các tầng lớp công nhân, nhân dân lao động ôn lại truyền thống đấu tranh của công nhân Việt Nam, những cống hiến to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn qua các thời kỳ, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Theo Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh