KỶ NIỆM 44 NĂM SÀI GÒN – GIA ĐỊNH MANG TÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2/7/1976 – 2/7/2020
Từ 30/4/1975 chế độ Việt Nam Cộng hòa bị xóa bỏ. Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và hai quận Củ Chi và Phú Hòa được hợp nhất thành một đơn vị hành chính gọi là Thành phố Sài Gòn – Gia Định. Đầu năm 1976, Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân Thành phố bắt đầu hoạt động.
Ngày 02/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của nhà lãnh đạo cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây là phần thưởng đặc biệt cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước trao tặng cho Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn – thành phố từng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất phát cuộc hành trình, bôn ba suốt 30 năm khắp năm châu để tìm con đường cứu nước cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, giành độc lập, tự do, thống nhất. Đi theo con đường của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực, quyết tâm hướng đến thắng lợi trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, phát triển thành phố tiên phong trên mọi lĩnh vực.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, rèn luyện đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu phải “trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á” .
Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để xứng đáng là một trung tâm trọng điểm của cả nước.”