KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2019)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố.

Trung ương Đảng đã trực tiếp lãnh đạo công tác này. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu được Bộ Chính trị cử trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Thành phố Hà Nội. Ngày 06-9-1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô(1), đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó, ngày 17-9-1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Tiếp quản Thủ đô còn là cuộc đấu tranh phức tạp trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, công tác giáo dục tư tưởng đã được quan tâm, chú trọng về nhiều phương diện. Các phương tiện thông tin, tuyên truyền được sử dụng tối đa để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhiệm vụ của quân và dân Thủ đô, đồng thời vạch trần các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của địch.

Trong nhiều mặt công tác chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô, Đảng ủy tiếp quản Thủ đô chú trọng vấn đề bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất, sinh hoạt của người dân thành phố.

Cuộc đấu tranh của tự vệ, công nhân các nhà máy diễn ra sôi nổi, rộng khắp, bằng nhiều hình thức phong phú, trong khuôn khổ trật tự, bình tĩnh, với thái độ kiên quyết, đúng mức, có lý lẽ nên đã ngăn chặn có hiệu quả sự phá hoại của địch.

Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào đấu tranh của các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân trong thành phố cũng phát triển liên tục, mạnh mẽ. Tại các nhà thương (bệnh viện), Sở Y tế Bắc Việt, các trường học, công sở,…, các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, y tá, giáo viên, các nhà chuyên môn,… đã cất giấu hoặc chuyển ra vùng an toàn thuốc men, dụng cụ chữa bệnh, hồ sơ, tài liệu khoa học.

Ở ngoại thành Hà Nội, tiêu biểu là Mễ Trì, Nhật Tân, Quảng An, nhân dân đấu tranh chống địch cướp phá tài sản, vây bắt thanh niên,... Dân quân, tự vệ tổ chức canh gác bảo vệ trật tự, trị an, đề phòng bọn phản động, gián điệp lợi dụng cơ hội gây rối. Ngoài ra, lực lượng tự vệ còn tiến hành thuyết phục hội tề, bảo an và giám sát bọn cường hào, đảng phái phản động, yêu cầu chúng kê khai giấy tờ, sổ sách để chuẩn bị bàn giao cho chính quyền cách mạng. Từ cuối tháng 9-1954, ở ngoại thành Hà Nội, địch đã rút quân khỏi một số đồn bốt, như Đông Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn,… Cũng từ cuối tháng 9-1954, trên thực tế ta đã làm chủ vùng ngoại thành Hà Nội.

Hà Nội là vùng tập kết chuyển quân Pháp trong vòng 80 ngày, bởi vậy, nơi đây trở thành chỗ tập trung nhiều sắc lính của quân đội Liên hiệp Pháp. Binh lính địch còn đông, nhưng đa số tinh thần hoang mang, rệu rã. Nắm bắt được tình hình đó, Thành ủy Hà Nội chủ trương đẩy mạnh công tác địch vận, tiếp tục tiến công địch bằng đòn chính trị, tư tưởng, đặc biệt là đã mở “chiến dịch địch vận”, nhằm động viên đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. “Ban địch vận thống nhất” được thành lập, gồm các tiểu ban Ngụy vận, Cảnh binh vận, Âu - Phi vận, nhằm đôn đốc, hỗ trợ các cấp, ngành triển khai, thực hiện công tác địch vận. Truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích được phát tán khắp chốn, khắp nơi, tại các đồn bốt, nơi trú quân, đến tận tay binh lính và gia đình họ. Nội dung truyền đơn kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền không thi hành mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, ở lại quê hương chung sức cùng nhân dân đấu tranh thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ. Bên cạnh đó, còn tổ chức hướng dẫn binh lính địch chuyển vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho ta; tổ chức đưa đón, tạo điều kiện thuận lợi để binh lính trốn khỏi vị trí về quê, hoặc ra vùng tự do. Tính chung lại trong 80 ngày (từ ngày 21-7 đến ngày 10-10-1954), có hơn một vạn binh lính địch chạy trốn khỏi hàng ngũ về với nhân dân.

Trong việc chuyển giao Hà Nội, theo thỏa thuận giữa hai bên, phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho các công trình phục vụ công cộng như điện, nước, xe điện,… tiếp tục hoạt động bình thường sau khi Pháp rút đi. Nhưng trong quá trình thực hiện, phía Pháp không nghiêm chỉnh, tìm cách phá hoại, cản trở. Do ta có được những bằng chứng cụ thể và đấu tranh kiên quyết nên chúng phải thực hiện đúng những điều đã cam kết, nhằm bảo đảm sinh hoạt bình thường của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp quản.

Về thời gian và khu vực tiếp quản, ta cũng phải tiến hành đấu tranh. Đến ngày 30-9-1954, hai bên mới thống nhất được việc chuyển giao về quân sự và trật tự. Nội thành Hà Nội được chia thành 2 phân khu, mỗi phân khu chia thành 6 khoảnh và quy định giờ quân đội Pháp rút đi và ta tiếp quản các khoảnh đó. Với thỏa thuận trên, ta phái một đội công an và một đội cảnh vệ vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các cơ quan quân sự và cảnh sát.

Ngày 02-10-1954, hai bên thỏa thuận chuyển giao Hà Nội về hành chính. Đồng chí Trần Danh Tuyên, Trưởng đoàn cán bộ hành chính của Chính phủ ta vào Hà Nội gặp đại diện Bộ Chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp để ký biên bản bàn giao toàn bộ. Liên tiếp trong 3 ngày, từ ngày 02 đến 04-10-1954, đội hành chính của ta, gồm 422 cán bộ, nhân viên, chia làm nhiều tổ, vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các công sở và công trình lợi ích công cộng. Ngày 05-10-1954, đội trật tự gồm 158 cán bộ, chiến sĩ công an có vũ trang vào nội thành để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, đồn cảnh sát. Tiếp đó, 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca (Tiểu đoàn 18), thuộc Trung đoàn Thủ đô cũng được lệnh vào trước để tiếp nhận các công sở, xí nghiệp, doanh trại và cùng canh gác với binh lính Pháp ở 35 vị trí. Trong quá trình chuyển giao này, phía Pháp cố tình gây khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của các lực lượng quần chúng và trước tình thế không thể đảo ngược được nên đến ngày 07-10-1954, ở hầu khắp các nơi, hai bên đã chuẩn bị xong mọi thủ tục để bàn giao.

Từ ngày 06-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi quận lỵ Văn Điển, ta tiếp quản và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành. Cùng ngày, địch rút khỏi thị xã Hà Đông. Phía Bắc, địch rút đến cách tả ngạn sông Đuống 4 km.

Theo kế hoạch tiếp quản Hà Nội của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ ngày 07-10-1954, trên các hướng, các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Thủ đô đã tiến dần về sát thành phố.

Trong khi cả Hà Nội đang bừng bừng khí thế chiến thắng, rạo rực niềm vui, nhộn nhịp, khẩn trương cho ngày hội giải phóng, thì vào lúc 18 giờ ngày 08-10-1954, tại Cột cờ Hà Nội, quân Pháp làm lễ hạ cờ, đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Pháp ở Hà Nội.    Cuối ngày 08-10-1954, các đơn vị bộ đội được giao nhiệm vụ tiếp quản nội thành đã tiến vào vị trí tập kết. Các đội tự vệ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng làm nhiệm vụ dẫn đường cho từng cánh quân trên các hướng. Ủy ban quân chính Hà Nội cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 chuyển dịch về đường Hà Nội - Hà Đông. Cơ quan Đảng ủy tiếp quản chuyển về thị xã Hà Đông.

Đúng 16 giờ ngày 09-10-1954, tốp lính cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên đã rút hết sang Gia Lâm. Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tiến lên đầu cầu Long Biên giữa tiếng reo hò, hoan hô của nhân dân các phố Hàng Đậu, Trần Nhật Duật. Như vậy, trong ngày 09-10-1954, lực lượng vũ trang ta đã tiếp quản các vị trí quan trọng trong thành phố. Tên lính Pháp cuối cùng đã rời khỏi Thủ đô.

Ngày 10-10-1954 là ngày chính thức tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Các đơn vị bộ đội tiến quân vào nội thành tiếp quản các vị trí. Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân giải phóng Thủ đô. Cả Hà Nội dồn về khu vực Cột cờ Hà Nội, tập trung ở sân vận động. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ. Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, buổi lễ bắt đầu, đoàn quân nhạc cử Quốc ca; còi Nhà hát thành phố rú một hồi dài.

Như vậy, đến ngày 10-10-1954, sau gần 9 năm kể từ ngày Hà Nội cùng các thành phố Bắc vĩ tuyến 16 chủ động tiến công địch, mở đầu Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946), Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giải phóng. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại không chỉ của Đảng bộ, quân và dân Thủ đô, mà là của cả nước, của toàn dân tộc./.

Tài liệu tham khảo

  1. Quân khu Thủ đô: Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb. Hà Nội, 1986
  2. Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP