KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 - 23/9/2019)
“Mùa
thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”
Cách đây 74
năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền
cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất
nước ta lần thứ hai. Quân-dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam
Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời
gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ
tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, Nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền
độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ”.
Thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở
Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy
ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà
số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).
Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định:
“Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và
tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban
Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo
vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tiêu biểu cho tinh thần “độc lập
hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23 tháng 9 năm 1945, khi một
đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì
danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta
kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết
đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những
người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo
vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ
trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
thành lập bốn mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt
giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến
vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột
kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế
của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia
cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn
còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ
đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào
Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự
kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo
điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc
kháng chiến.
Ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ
quốc của đồng bào Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và
nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người đã gửi điện khen ngợi: “Sự
anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo.
Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng,
thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định
thành công.” Sự động viên và cũng là lời tiên đoán của Bác đã trở thành sự
thật bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lập
lại hòa bình ở miền Bắc, sau đó là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo
Bộ Giáo dục
và Đào tạo. (2019). Lịch sử 12. Nxb
Giáo dục Việt Nam. Hà Nội
Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng
chiến - Lịch sử Nam Bộ kháng chiến¸ Tập 1 (1945 - 1954), Nxb
CTQG