Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2020)
Ngày Nam bộ kháng chiến - Một dấu son lịch sử
Chỉ có ba tuần được hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân Nam Bộ lại phải đứng lên cầm súng chống lại cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ đất nước và những thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Nam Bộ kháng chiến đã làm nức lòng nhân dân cả nước và là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam bộ. Dù đã 75 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần quật khởi của Nam bộ kháng chiến trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định vẫn còn in đậm trong tâm trí bao người.
Khí thế ngày 23/9 năm ấy rất hào hùng, bừng bừng tinh thần quật khởi. Anh em công nhân phá vỡ nhà đèn, trạm điện nước... Phần lớn người dân đi ra khỏi thành phố. Quân dân ta dùng thế “trong đánh ngoài vây”, cứ theo dòng kinh tẻ, dòng kinh đôi đột kích vào cơ sở của Pháp gây cho chúng những tổn thất nhất định. Động lực đưa những lớp thanh niên vào kháng chiến đó là động lực của lòng yêu nước và niềm tin với Đảng, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ chấn động cả nước. Một “vành đai đỏ” được thiết lập và thắt chặt xung quanh thành phố, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế của địch. Đặc biệt là cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt ở Cột cờ Thủ Ngữ. Tại đây một tiểu đội tự vệ chiến đấu của ta đã ngoan cường chống trả một đại đội quân địch. Những trận đánh vang dội của quân và dân Sài Gòn ở Thị Nghè, Cầu Kiệu, Bàn Cờ, ở Cột cờ Thủ Ngữ... như tiếp thêm sức mạnh để quân dân Nam bộ anh dũng tiến lên đánh giặc với khí thế ngày càng dâng cao, Chúng bị giam chân ngay tại Sài Gòn và không thể thực hiện được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” dù cho chúng có binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại.
75 năm đã trôi qua, những nhân chứng của một thời Nam bộ kháng chiến còn lại rất ít. Và hôm nay, trên chiến trường xưa cũng đã đổi khác, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi là những tháng ngày lịch sử “Nam bộ kháng chiến” vẫn sống mãi và gợi cho chúng ta nhớ về một giai đoạn quật khởi, bất khuất của vùng đất Nam bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Quân và dân Nam bộ luôn xứng đáng với danh hiệu ấy trong suốt 30 năm chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước ngày nay.
Theo báo Quân khu 7