LỄ GIỖ QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG 10.3 NĂM KỶ HỢI (14.4.2019)
Từ xa xưa, trong dân gian Việt Nam lưu truyền câu ca dao:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười...
Từ bao đời nay, câu ca dao ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ là hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.
Là con cháu Lạc Hồng, chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử thời sơ sử của quê hương.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên có chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam –Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Lại chép về họ Hồng Bàng như sau: "Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, Rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.".
Sách "Lĩnh Nam chích quái" thời Trần viết rằng: "Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ; 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương."
Với những phát hiện khảo cổ học đã minh chứng, vào thời đại kim khí, cách nay khoảng 4000 – 2000 năm ở khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ hình thành nền văn minh sông Hồng gồm có 4 giai đoạn phát triển (Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun– Đông Sơn) tương ứng với thời kỳ nước Văn Lang của vua Hùng và nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương.
Hùng Vương là vị thủ lĩnh tối cao đứng đầu nhà nước Văn Lang, đồng thời còn là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương có các Lạc Hầu, Lạc tướng giúp việc. Cả nước chia thành 15 bộ (đơn vị hành chính lớn). Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Dưới nữa là các Bố chính, đứng đầu các làng bản. Kinh đô của nhà nước Văn Lang là Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
Kinh tế nước Văn Lang thời kỳ này chủ yếu là nông nghiệp lúa nước, ngoài ra còn có săn bắt, chăn nuôi, đánh cá và làm nghề thủ công như đúc đồng, làm đồ gốm....
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. Theo tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong "Thế thứ các triều vua Việt Nam" có 18 vị vua Hùng là:
- Kinh Dương Vương (涇陽王) húy là Lộc Tục.
- Hùng Hiền vương (雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm (崇纜).
- Hùng Lân vương (雄麟王)
- Hùng Diệp vương (雄曄王)
- Hùng Hi vương (雄犧王)
- Hùng Huy vương(雄暉王)
- Hùng Chiêu vương (雄昭王)
- Hùng Vĩ vương (雄暐王)
- Hùng Định vương (雄定王)
- Hùng Hi vương (雄曦王)
- Hùng Trinh vương(雄楨王)
- Hùng Vũ vương (雄武王)
- Hùng Việt vương (雄越王)
- Hùng Anh vương (雄英王)
- Hùng Triêu vương (雄朝王)
- Hùng Tạo vương (雄造王)
- Hùng Nghị vương (雄毅王)
- Hùng Duệ vương (雄睿王)
Lễ giỗ Quốc Tổ đang đến rất gần, đó không chỉ là ngày hội của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta - mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2012 là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ văn hóa nguồn cội trong xu thế hội nhập.
Văn Lang khởi thủy
Việt Nam trường tồn