LỄ KHAI MẠC CHUYÊN ĐỀ "SẮC MỘC - NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC GỖ THỜI NGUYỄN"
Sáng ngày 25/4, nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), 137 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 – 01/5/2023) và kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Sắc Mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn”.
Đến tham dự có sự hiện diện của các vị đại biểu: ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh, bà Lê Tú Cẩm – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, PGS.TS. Đặng Văn Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Nghĩa – Chủ tịch Hội Cổ vật TP. Hồ Chí Minh, TS. Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các Bảo tàng trong thành phố, Bảo tàng tỉnh, trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh và các đối tác, cộng tác viên của Bảo tàng.
TS.Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ CHí Minh phát biểu khai mạc
Từ xưa, gỗ đã là một vật liệu quan trọng gắn liền với cuộc sống con người qua những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Do đó, có thể thấy nghề mộc là một ngành nghề có truyền thống lâu đời. Dưới thời Nguyễn, trước nhu cầu xây dựng cung điện, lăng tẩm, đền chùa, công thự, nhà cửa, điêu khắc gỗ có điều kiện chấn hưng và phát triển mạnh. Trong đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ trang trí kiến trúc, trên đồ dùng thờ tự, tượng thờ Phật giáo,…và đồ gia dụng thời Nguyễn đã lưu lại những dấu ấn đặc sắc, đóng góp những giá trị không nhỏ vào việc nâng tầm thẩm mỹ cho các sản phẩm gỗ chạm thời kỳ này.
Đại biểu tham dự cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề
Với gần 150 hiện vật được trưng bày trong chuyên đề này chỉ là một phần nhỏ trong sưu tập hiện vật gỗ của Bảo tàng. Tuy nhiên, mỗi hiện vật đều ẩn chứa những nét đẹp lịch sử - văn hóa và những câu chuyện riêng của nó. Qua đó để thấy được bàn tay tài hoa cùng tư duy thẩm mỹ của các nghệ nhân thời bấy giờ.
Chuyên đề “Sắc Mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn” diễn ra đến hết ngày 30/6/2023.