Tạo bất ngờ - nét nghệ thuật quân sự đặc sắc trong chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789

Bất ngờ luôn là yếu tố quan trọng của nghệ thuật quân sự. Trong chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (năm 1789), quân đội Tây Sơn đã tạo lập và phát huy yếu tố bất ngờ một cách tài tình, sáng tạo. Do vậy, mặc dù lực lượng ít hơn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, quân Tây Sơn đã đánh tan Đội quân Mãn Thanh xâm lược hùng mạnh, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc..

Viện cớ lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, cuối tháng 11/1788, Vua Càn Long (nhà Thanh) lệnh cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân chia làm 4 đạo ồ ạt tiến công xâm lược nước ta. Trước sức mạnh ban đầu của giặc, Ngô Văn Sở - Tướng trấn giữ Bắc Hà đã chủ động tổ chức lui toàn bộ Quân Tây Sơn vào đóng giữ phòng tuyến từ Tam Điệp (Ninh Bình) đến Biện Sơn (Thanh Hóa), nhằm thực hiện kế sách: cho giặc ngủ trọ một đêm, rồi đuổi chúng đi của Ngô Thì Nhậm; đồng thời, cử người cấp báo với Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Vì thế, quân Thanh vào Thăng Long hầu như không gặp phải sức kháng cự nào. Với bản tính kiêu căng, coi thường đối phương, Tôn Sĩ Nghị chủ quan cho rằng tiêu diệt quân Tây Sơn như “thò tay lấy đồ vật ở trong túi” và ngạo nghễ tuyên bố “Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi tới đây, cần phải nghỉ ngơi, không nên đánh vội, giặc gầy mà ta đang béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt”[1]. Với quan điểm đó, ông ta ra lệnh đóng quân, dự kiến ngày mồng 06 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789 tiếp tục tiến quân vào tận sào huyệt bắt sống Nguyễn Huệ.
Trong khi đó, tại Phú Xuân, ngay sau khi làm lễ đăng quang ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, Nguyễn Huệ quyết định hành quân gấp ra Bắc Hà nhằm chớp thời cơ đánh địch bất thình lình khi chúng đang trong trạng thái tự mãn, phòng bị tạm thời, ít chuẩn bị nhất. Bằng tài thao lược xuất chúng đánh bằng chính binh, thắng bằng kỳ binh của Vua Quang Trung, 05 cánh quân Tây Sơn đã hiệp đồng chặt chẽ, trong thời gian rất ngắn (05 ngày đầu của mùa Xuân Kỷ Dậu), 10 vạn quân Tây Sơn cùng nhân dân Bắc Hà đã đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, làm nên chiến thắng vang dội Xuân Kỷ Dậu - giải phóng Thăng Long, ghi mốc son chói lọi vào trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến công hiển hách, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi quyết định đó là nghệ thuật tạo và sử dụng linh hoạt, hiệu quả yếu tố bất ngờ của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nét đặc sắc của nghệ thuật đó, được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, lựa chọn thời cơ tiến công chính xác và tổ chức hành quân thần tốc. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc tình hình các mặt, nhất là ý đồ xuất quân vào ngày mồng 06 tháng Giêng của địch, Nguyễn Huệ đã hạ quyết tâm chiến lược chủ động đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long trước khi địch hành động. Đây cũng là thời điểm vào đúng dịp tết Nguyên Đán Kỷ Dậu 1789, khi mà quân địch đã và đang phạm một sai lầm nghiêm trọng - tự tước đi quyền chủ động tiến công sang thế bị động - phòng ngự tạm thời; tư tưởng lại hết sức chủ quan, mất cảnh giác, kỷ luật lỏng lẻo. Chính vì mải vui ngày Tết, say sưa với chiến thắng ban đầu, quân lính Mãn Thanh “bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không còn kỷ luật gì cả. Có kẻ đi ra khỏi thành đến 10 dặm để kiếm củi, có kẻ đi đến các chợ búa dân gian để buôn bán, hằng ngày tối đi sớm về xem như việc bình thường”, còn bọn quan tướng thì “ngày ngày chơi bời tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân”[2]. Như vậy, lựa chọn thời cơ chiến lược tiến công tiêu diệt quân Thanh của Nguyễn Huệ vào dịp này là quyết định táo bạo, chính xác, thể hiện tư duy quân sự và khả năng nhận định tình hình sắc sảo, tận dụng triệt để điều kiện, thời cơ có lợi, chín muồi nhất, khoét sâu vào điểm yếu, sơ hở của địch để tạo ra yếu tố bất ngờ trong tác chiến.
Một vấn đề quan trọng không kém tạo ra bất ngờ lớn cho quân Mãn Thanh, đó là việc tổ chức hành quân thần tốc của quân đội Tây Sơn. Theo sử chép, sau khi nắm được tình hình ở Bắc Hà, chỉ trong 04 ngày (từ ngày 22 đến ngày 26/12/1788), Nguyễn Huệ đã xuất quân cơ động từ Huế đến Nghệ An. Tại đây, quân Tây Sơn dừng lại 10 ngày để tuyển mộ binh sĩ, dò xét tình hình địch, soát xét lại phương lược lần cuối và chuẩn bị thêm lương thảo; đồng thời, thảo thư “giả hàng” gửi Tôn Sĩ Nghị để kích động thêm sự kiêu ngạo của hắn. Sau đó, Đại quân hành quân ngay ra Thanh Hóa tiếp tục bổ sung quân, tổ chức lễ “Thệ sư” kêu gọi tướng sĩ, binh lính đoàn kết một lòng, quyết tâm tiêu diệt giặc. Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải đáp thỏa đáng việc làm thế nào mà chỉ trong vòng 04 ngày đêm, đại quân của Nguyễn Huệ đã vượt qua một chặng đường dài trên ba trăm cây số, từ Phú Xuân (Huế) ra Nghệ An. Do chỉ bàn về mục đích hành quân thần tốc để tạo bất ngờ cho hành động tác chiến nên chúng tôi không đi sâu lý giải vấn đề này, mà chỉ nghiêng về khả năng: đường hành quân cơ động lực lượng thần tốc của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra Nghệ An là bằng cả đường bộ (Đường Thiên Lý) và đường biển. Đường bộ dành cho kỵ binh, đường thủy dành cho tượng binh, pháo binh và bộ binh (chủ yếu là khung chỉ huy, còn quân lính thì ra Nghệ An, Thanh Hóa tuyển mộ). Còn đoạn đường từ Nghệ An ra Thanh Hóa, Biện Sơn - Tam Điệp dài 180 km, 10 vạn bộ binh Tây Sơn “tiến quân đi gấp ngày đêm”, mất từ 07 đến 10 ngày vượt qua đoạn đường này là hợp lý. Tài nghệ kết hợp giữa hành quân thần tốc với xây dựng, mở rộng lực lượng của Nguyễn Huệ bảo đảm cho quân đội Tây Sơn vừa tạo ra thời cơ có lợi, vừa gây bất ngờ ngoài khả năng dự tính của địch cả về thời gian, không gian, lực lượng.
Hai là, tiến công với tốc độ cao. Chỉ có tiến công với tốc độ cao và đảm bảo tốc độ cao trong suốt quá trình tác chiến mới có thể phát huy tối đa yếu tố bất ngờ. Nhìn lại Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 thấy rằng, yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo bất ngờ liên tiếp cho địch là tốc độ tiến công như vũ bão của quân Tây Sơn. Đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức đêm giao thừa tết Nguyên Đán, đạo chính binh của Nguyễn Huệ bí mật vượt sông Gián Thủy, tập kích bất ngờ đồn Gián Khẩu, một đồn tiền tiêu của giặc do quân của Lê Chiêu Thống trấn giữ, tướng nhà Lê là Hoàng Phùng Tứ bỏ chạy. Nguyễn Huệ cho quân theo hướng sông Thanh Quyết đẩy nhanh tốc độ cơ động tiến công. Do có sự kết hợp chặt chẽ vừa đuổi bắt toán quân Thanh do thám, vừa tiến công tiêu diệt lần lượt các đồn giặc trên đường tiến quân, nên khi quân Tây Sơn bắt sống toàn bộ quân Thanh do thám ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) cũng là lúc các đồn tiền tiêu của giặc ở xa Thăng Long đều bị triệt hạ hoàn toàn. Vì vậy, các đồn giặc từ Hà Hồi trở lên Thăng Long không biết tin tức gì về cuộc tiến công của quân Tây Sơn. Nửa đêm mồng 03 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (tức ngày 28/01/1789), quân Tây Sơn đã vây chặt đồn Hà Hồi. Với khả năng tiến công tốc độ cao của quân Tây Sơn đã tạo nên yếu tố bất ngờ lớn, làm cho quân Thanh trong đồn Hà Hồi giật mình hoảng sợ, không dám chống cự, lũ lượt ra hàng. Tiếp đó, trước sự “xuất quỷ, nhập thần” của quân Tây Sơn “tướng ở trên trời xuống, quân ở dưới đất chui lên”[3], giặc ở Ngọc Hồi hoảng loạn, vội vã cấp báo với chủ tướng Tôn Sĩ Nghị. Chúng đâu biết rằng, trên hướng Tây, cánh quân vu hồi do Đô đốc Long chỉ huy đã phối hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của nhân dân địa phương tiến hành “trận Rồng lửa” san bằng đồn Khương Thượng, tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống bẽ bàng, đành thắt cổ tự tử ở Loa Sơn. Từ đây, bằng khả năng cơ động nhanh, lực lượng kỳ binh Tây Sơn nhanh chóng đánh chiếm các đồn Yên Quyết, Nam Đồng; đồng thời, tổ chức thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch - cung Tây Long, trước sự ngỡ ngàng, hốt hoảng của chủ tướng giặc. Tôn Sĩ Nghị “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp”[4] cùng một toán kỵ binh vượt cầu phao sông Nhị Hà nhằm hướng Bắc tháo chạy.
Như vậy, với sách lược đánh nhanh, giải quyết nhanh, Quang Trung đã thực hiện tiến công mãnh liệt, tốc độ cao, làm cho quân địch liên tiếp bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và lâm vào tình trạng luôn bị động đối phó, tinh thần suy sụp, hoang mang tột độ, rụng rời liên miên, đồn trại tan rã từng mảng, dẫn đến thất bại hoàn toàn.
Ba là, sử dụng vũ khí cải tiến, tăng cường hỏa lực mạnh trong đánh địch. Kinh nghiệm chiến tranh cho thấy, để tạo bất ngờ cho đối phương, các bên tham chiến đều cố gắng giữ bí mật về ý định tác chiến, phương tiện chiến tranh, nhất là việc sử dụng các loại vũ khí mới đúng thời điểm, nhằm tăng hiệu suất chiến đấu, làm cho đối phương lúng túng đối phó. Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long, vũ khí, trang bị của quân Tây Sơn không có gì là bí hiểm đối với quân Thanh, nhưng Nguyễn Huệ đã biết nhằm vào sở trường của quân đội mình để phát triển, cải tiến vũ khí, trang bị. Trong từng trận đánh, họ đều phát huy tối đa tính năng, tác dụng của các loại vũ khí để tiêu diệt địch, bảo vệ lực lượng chiến đấu.
Trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa, Vua Quang Trung đã dùng Voi chiến như một vũ khí nguy hiểm nhất đối với quân Thanh. Do được huấn luyện thuần thục, không sợ khói lửa, chịu đựng tên đạn và có khả năng dùng vòi, dùng chân tiêu diệt địch, nên khi tham gia chiến đấu Tượng binh có thể vừa là phương tiện, vừa là vũ khí gây sát thương trực tiếp quân địch. Việc nắm vững kiến thức về bản năng của động vật và sở trường tác chiến của giặc Thanh thường coi kỵ binh là lực lượng chiến đấu cơ động mạnh, nên việc sử dụng Voi chiến của Nguyễn Huệ làm binh chủng tiên phong trong giáp chiến đã đem lại hiệu suất chiến đấu cao. Theo Việt sử cương mục tiết yếu, khi “quân Thanh xua quân tinh nhuệ tiến đánh, bỗng thấy đàn voi, ngựa đều hoảng sợ hí dài tháo chạy, dẫm đạp lên nhau”.
Một trong các loại vũ khí được quân đội Tây Sơn sử dụng tạo bất ngờ lớn cho quân Thanh đó là “hỏa hổ” và “hỏa cầu lưu hoàng” - một loại hỏa lực mạnh trong khâu cận chiến, tiếp liền giáp chiến. Tuy rằng về mặt nguyên lý, “hỏa hổ” và “hỏa cầu lưu hoàng” không phải là vũ khí bí hiểm, cao siêu, nhưng nằm trong tay quân Tây Sơn, nó đã biến thành vũ khí lợi hại. Nguyên nhân chính ở chỗ quân đội Tây Sơn đã nâng nó lên như một vũ khí chiến lược và tổ chức, sử dụng hiệu quả, phù hợp với chiến thuật giáp chiến sở trường của mình. Quân Thanh không những khiếp sợ những Voi chiến dũng cảm của Tây Sơn, nay lại càng khiếp sợ hỏa lực lợi hại của binh chủng này, chúng thấy “quân giặc (chỉ quân Tây Sơn) đều dùng voi chở đại bác xông ra trận” và “trên lưng mỗi con voi có ba bốn tên giặc chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa”[5].
Như vậy, việc trang bị vũ khí mới, cải tiến vũ khí đã góp phần tạo yếu tố bất ngờ, làm địch không kịp trở tay, đối phó. Tuy nhiên, để tạo được bất ngờ cho địch bằng bất kỳ vũ khí nào, trước hết, phải biết phát huy đúng tính năng kỹ thuật và thành thạo về chiến thuật. Thắng lợi của quân đội Tây Sơn trong chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 đã chứng tỏ vũ khí không phải là yếu tố quyết định thành bại trong tác chiến, nhưng càng có nhiều vũ khí mới, vũ khí cải tiến, tăng cường vũ khí, trang bị mạnh thì tính bất ngờ trong đánh địch càng cao, hiệu quả càng lớn.

Đại tá Nguyễn Thế Vỵ

---------------------------------
1 - Ngô Gia Văn Phái - Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H. 2006, tr. 346 và 350.
2 - Sđd, tr. 350.
3 - Sđd, tr. 361.
4 - Sđd, tr. 179.
5 - Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb QĐND, H. 1976, tr. 415.

Theo Tạp chí Quốc phòng Toàn dân




đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP