Thành công của Cách mạng Tháng Tám - nhìn từ góc độ nghệ thuật chỉ đạo chiến lược

Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong khoảng 15 ngày, nhân dân ta đã giành được chính quyền trên cả nước mà hầu như không bị tổn thất đáng kể nào. Nếu chỉ nhìn một cách đơn giản, phiến diện để đánh giá thì sẽ không thể thấy hết tầm vóc của sự kiện này, cũng như tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Mít-tinh tổng khởi nghĩa tại quảng trường Nhà hát Lớn
(Nguồn: http://dangcongsan.vn)

Thành công của Cách mạng Tháng Tám thực chất là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành; đặc biệt là của quá trình xây dựng thực lực cách mạng, chuẩn bị về mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời năm 1930. Cùng với đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn, sáng tạo, còn là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
1. Nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị lực lượng.
Hội nghị Trung ương 8 đề ra sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, hình thức đấu tranh cách mạng và chuẩn bị khởi nghĩa, khẳng định: “Khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”(1). Đó là định hướng cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng rộng khắp chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Trong đó, nhấn mạnh việc gấp rút đào tạo cán bộ để gây dựng phong trào cách mạng phát triển ở cả nông thôn và thành thị. Đặc biệt, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm tập hợp lực lượng cách mạng rộng rãi. Đảng Cộng sản Đông Dương vừa là một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, vừa lãnh đạo Mặt trận thông qua chủ trương, chính sách cách mạng trong các ủy ban của Mặt trận, đoàn thể cứu quốc. Ngày 25/10/1941, Tổng bộ công bố Chương trình Việt Minh, gồm 10 điểm, phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp cả Bắc, Trung, Nam. Ngoài Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, còn có Quân nhân (hay binh sĩ, du kích) cứu quốc, Thương gia cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu vong,... tạo thành lực lượng chính trị hùng hậu. Đây chính là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị lực lượng của Đảng ta. Sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức chính trị đã tạo điều kiện cho các tổ chức vũ trang hoạt động, phát triển. Đặc biệt, sau khi Việt Minh ban hành Điều lệ của Việt Nam Tiểu tổ du kích cứu quốc, đã xuất hiện nhiều hình thức, như: tổ chức cán bộ bí mật, tổ bí mật quân sự hóa, tổ xung phong vũ trang, tiểu đội và trung đội vũ trang địa phương, v.v. Về cơ bản, những người gia nhập các tổ chức vũ trang này đều tự sắm sửa vũ khí, trang bị theo chức trách, nhiệm vụ. Cùng với đó, ba trung đội Cứu quốc quân (1, 2, 3) lần lượt ra đời để bảo vệ căn cứ địa cách mạng và mở rộng địa bàn. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau đó hợp nhất với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Như vậy, quá trình chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã bắt đầu từ xây dựng lực lượng chính trị, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng bán vũ trang và vũ trang. Đây là những tổ chức rất mới, chưa từng có trước khi Đảng ta ra đời. Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động đều hướng tới tập hợp được đông đảo quần chúng, chung tay thực hiện một mục tiêu, nguyện vọng cháy bỏng: giải phóng dân tộc.
2. Nghệ thuật chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc.
Kế thừa kinh nghiệm truyền thống của dân tộc và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm căn cứ, đến tháng 8/1943 nối thông với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, tạo thành thế liên hoàn, là cơ sở để tiến tới thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc vào ngày 04/6/1945. Khu Giải phóng bao gồm 2 căn cứ lớn nằm trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc phạm vi các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái,... với gần một triệu dân, có các Ủy ban nhân dân do dân bầu, thực thi 10 chính sách lớn của Việt Minh, thực sự là “hình ảnh tươi sáng của nước Việt Nam ngày mai”(2). Nơi đây cùng với các căn cứ trong cả nước sẽ là hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi, để “…đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(3).
3. Nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để phát động khởi nghĩa.
Nắm chắc tình hình và chớp thời cơ để kịp thời hành động là nhân tố quan trọng bảo đảm chắc thắng, nhưng ít tổn thất. Vấn đề này đã được các nhà quân sự cổ đại đúc rút: “Biết địch biết mình, giành thắng lợi không gặp hiểm nguy; biết thiên thời địa lợi nữa, giành thắng lợi mới thật đảm bảo”(4). Hiểu rõ điều đó, tháng 9/1944, khi nhận được tin Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng chủ trương “Phát động chiến tranh du kích và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa”, từ biên giới Việt - Trung, Bác Hồ đã chỉ thị dừng lại, nhờ đó tránh được tổn thất và che giấu lực lượng, tiếp tục phát triển để chờ thời cơ chín muồi. Ngay khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), xác định rõ thời cơ chín muồi và chưa chín muồi (điều kiện khởi nghĩa), đề ra chủ trương hành động, phát triển phong trào quần chúng. Qua đó, một loạt chiến khu ở các vùng, miền trong cả nước đã được thành lập. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra vào lúc thời cơ chín muồi thể hiện nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ tài tình của Đảng ta. Vì nếu sớm, sẽ bị lực lượng phát-xít Nhật lúc đó còn mạnh sẽ đàn áp; còn nếu muộn thì càng phức tạp vì đội quân “nhập Việt” của Tưởng đã đóng sát biên giới Việt - Trung.
4. Nghệ thuật tổ chức khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Với tư tưởng quân sự “thượng sách của việc dùng binh là dùng mưu lược để giành thắng lợi, sau mới đến việc dùng ngoại giao để giành thắng lợi, sau nữa mới đến dùng lực lượng quân sự để giành thắng lợi, hạ sách là đánh thành”5, khởi nghĩa từng phần được tiến hành rất đa dạng, phong phú, ít tổn thất nhưng giành thắng lợi triệt để. Hà Nội là địa phương tiêu biểu về sự chủ động kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao để giành chính quyền. Xuất phát từ cuộc mít tinh chiều 17-8-1945 do Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức tại quảng trường Nhà hát Lớn, có lực lượng bảo an, cảnh sát giữ gìn trật tự, nhưng Việt Minh đã khéo léo dùng kế “Phản khách vi chủ”(6) (đổi khách thành chủ) để chiếm diễn đàn, tuyên bố đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân Thành phố ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền thân Nhật và tay sai. Dưới sự hướng dẫn của các đội tự vệ chiến đấu, nhân dân nhanh chóng xuống đường tuần hành, biến thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng. Cuộc tuần hành này làm cho quân Nhật và tay sai hoang mang cực độ, Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại lập tức xin từ chức. Nhận thấy đây là thời điểm có thể dùng kế “Thuận thủ khiên dương”(7) (tiện tay dắt dê), nên dù chưa nhận được Quân lệnh số 1, nhưng Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã mạnh dạn căn cứ vào Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8 bằng lực lượng quần chúng đông đảo, có các đội tự vệ chiến đấu, đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là phải cô lập và vô hiệu hóa lực lượng phát-xít Nhật, vì tuy chúng đã đầu hàng Đồng Minh nhưng đến ngày 21/8 lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực. Do đó, Ủy ban cách mạng vừa sử dụng truyền đơn, vừa dùng lời lẽ ôn hòa, khéo léo thuyết phục quân đội Nhật muốn yên ổn về nước, không nên can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, tránh đổ máu vô ích. Nhờ vậy, sáng 19/8, từ các hướng ngoại thành, quần chúng mang theo vũ khí, cờ đỏ sao vàng, rầm rộ tiến về quảng trường Nhà hát Lớn dự mít tinh mà không đụng độ với quân Nhật. Sau khi nghe Việt Minh đọc lời hiệu triệu, cuộc mít tinh biến thành biểu tình có vũ trang đi chiếm Phủ Khâm sai, Kho bạc, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh, v.v. Đến chiều tối cùng ngày, Việt Minh đã làm chủ toàn Thành phố. Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công đã tiếp sức mạnh để nhân dân và “đạo quân chính trị” Huế, Sài Gòn đứng lên giành chính quyền. Tại Huế, với sự ủng hộ của trên 15 vạn nhân dân, lãnh đạo khởi nghĩa đã thuyết phục được Bảo Đại thoái vị nên ngày 23/8 khởi nghĩa thành công mà không phải nổ súng. Tiếp theo, ngày 25/8, hơn một triệu người Sài Gòn – Gia Định đã đứng lên khởi nghĩa thành công. Phát huy thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, các tỉnh còn lại cũng đều tổ chức khởi nghĩa bằng hình thức kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và ngoại giao để giành chính quyền.
Như vậy, trải qua quá trình đấu tranh chính trị phát triển lên chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần ở một số địa phương, gây dựng Khu Giải phóng làm căn cứ kháng chiến, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi trọn vẹn.

Nguyễn Công Tâm

 ___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr.132.
2 - Đại tướng Võ Nguyên giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 123.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.
4 - Tôn - Ngô binh pháp, Nxb Công an nhân dân, H. 1994, tr. 136.
5 - Sđd, tr. 80.
6 - Tam thập lục kế binh pháp bí truyền, Nxb Văn hóa thông tin, H. 2001, tr. 186.
7 - Sđd, tr. 73.

Theo Tạp chí Quốc phòng Toàn dân

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP