Triển lãm “Từ Sài Gòn đến Thành phố Hồ Chí Minh: Bản đồ và hình ảnh” (From Saigon to Hochiminh City: Mapping and Illustration)”
Nhân ngày đô thị Việt Nam 8 tháng 11 và ngày di sản Việt Nam 23 tháng 11, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS), với sự hỗ trợ của Bảo tàng Lịch sử - TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, Viện Viễn Đông Bác Cổ và Lythi Salon tổ chức buổi triển lãm chủ đề “Từ Sài Gòn đến Thành phố Hồ Chí Minh: Bản đồ và hình ảnh” (From Saigon to Hochiminh City: Mapping and Illustration)”.
Triển lãm bao gồm :
1. Triển lãm: Gồm các bản đồ và hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh qua thời gian, từ cuối thế kỷ 18 cho đến hiện nay. Bản đồ đầu tiên được vẽ vào năm 1799 dưới thời chúa Nguyễn, thể hiện hai trung tâm đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn. Mỗi bản đồ tiếp nối mang đến thông điệp từ từng thời đại, thể hiện không chỉ bằng sự phát triển đô thị mà còn có cả trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đương thời. Với bản đồ 1816, Bến Nghé - Chợ Lớn là đô thị phòng thủ với thành, lũy, đồn. Bản quy hoạch 1862 thể hiện các trục giao thông chính làm nền tảng cho hệ thống giao thông sau này. Rồi các kiến trúc đô thị cơ bản ở các bản đổ 1864, 1870. Ngay cả những hàng cây cao vút ven các đại lộ ngày nay cũng đã được quy hoạch tại bản đồ 1878. Bản khắc 3D năm 1881 cho thấy Sài Gòn là một đô thị xanh, sông nước. Tàu hỏa và xe điện xuất hiện cùng bản đồ 1895; kênh Đôi, kênh Tẽ, máy bay cùng bản đồ 1925. Bước qua thế kỷ 20, các bản đồ ngày càng chi tiết hơn. Cho thời kỳ sau 1975, là các bản đồ Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998, năm 2010, Bản đồ Quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh...
Trong khi các bản đồ thể hiện thành phố theo lịch đại thì các hình ảnh là những lát cắt đồng đại của đời sống đô thị như cảnh chợ, tàu hỏa, tàu điện, cảng...
2. Tọa đàm: 9g-11g 8/11/2019
Ba chủ đề thảo luận:
– Quá trình hợp nhất hai đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn: PGS. TS Tôn Nữ Quỳnh Trân
- Đặc trưng kiến trúc đô thị ở khu trung tâm Sài Gòn: TS. KTS. Phạm Phú Cường
- Giới thiệu về các bản đồ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: ThS. KTS. Huỳnh Xuân Thụ
3. Thuyết trình và tham quan: Hai buổi thuyết trình vào chiều ngày 8/11 từ 14g00 đến 15g30 và sáng ngày 15/11 từ 8g30 đến 10g00 về một số bản đồ xưa và hiện đại.
Ngoài hai buổi thuyết trình chính, quý khách có thể đến tham quan trong khung giờ từ 8h đến 17h hàng ngày từ ngày 8/11 đến hết ngày 15/11/2019.