Tượng được nhà nghiên cứu Louis Finot phát hiện và công bố năm 1901 cùng với 228 hiện vật tại Đồng Dương (Quảng Nam). Tượng được chế tác bằng đồng, đứng trên bệ hoa sen. Tóc xoắn ốc, thùy tai dài, khuôn mặt tròn, phúc hậu. Phần giữa trán khắc nổi một vòng tròn, chân mày cong, mũi thon. Cổ cao ba ngấn (là một trong những nét quý tướng của Đức Phật). Thân tượng được khoác áo cà sa với nhiều nếp gấp. Hai cánh tay đưa ra phía trước. Tay phải với thủ ấn vitarkamudra (chuyển pháp luân), tay trái nắm phần vạt áo choàng.
Tượng có kích thước lớn, mang phong cách nghệ thuật Amaravati với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao. Ngoài hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục rất tinh tế, mềm mại làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, huyền bí của Đức Phật. Tượng Phật có giá trị đặc biệt liên quan đến giai đoạn Phật giáo ở Champa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Tượng Phật được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm bởi giá trị nghệ thuật và yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm này. Tượng là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Văn hóa Champa và đã từng được trưng bày, giới thiệu ở nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Tượng Phật được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo Quyết định Số 1426/QĐ-TTg, Hà Nội ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.