Nơi khởi nguồn của những nền văn hóa đặc sắc…Thời kỳ hình thành nền tảng của văn hóa Việt Nam
Sau khi kết thúc đợt biển tiến Holocene, cư dân cổ nước ta bước vào thời kỳ mở rộng địa bàn sinh sống để phát triển kinh tế, văn hóa. Cùng với quá trình này là sự lao động và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá thô sơ tiến đến sự phát minh ra kỹ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước dùng cày với sức kéo của trâu, bò; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở đó kéo theo hàng loạt các chuyển biến về kinh tế, xã hội dẫn đến việc hình thành các nền văn minh và nhà nước sơ khai.
Khoảng cuối thời đại đồng thau – cuối thời đại đồ sắt (thế kỷ VIII TCN – thế kỷ II), trên lãnh thổ nước ta đã lần lượt xuất hiện ba nền văn hoá với các nhà nước sớm đó là: Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc trên cơ sở Văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc, nước Lâm Ấp tiền thân của Vương quốc Champa trên cơ sở nền Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và Vương quốc Phù Nam trên cơ sở nền Văn hóa Đồng Nai – Óc Eo ở miền Nam. Sự ra đời của các quốc gia này đã mở ra một thời đại mới – thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.
Đồng thời, ba khu vực văn hóa này cũng có quan hệ mật thiết, lâu dài với nhau tạo nên đặc trưng truyền thống văn hóa Việt Nam: thống nhất trong đa dạng. Đây cũng là thời kì xây dựng nền văn minh nông nghiệp, xây dựng lối sống và tính cách truyền thống của một nước Việt Nam thống nhất sau này.
Từ sau thất bại của An Dương Vương trong cuộc khởi nghĩa chống Triệu Đà (179 TCN), đất nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc kế tiếp nhau xâm lược và đô hộ. Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc là một chặng đường lịch sử đầy biến cố, đánh dấu sự kiên cường của dân tộc ta trước các cuộc xâm lăng về lãnh thổ và cũng là giai đoạn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa bản địa trước sự đồng hóa của ngoại bang.
Hàng loạt những cuộc nổi dậy liên tiếp của nhân dân đã diễn ra trong suốt thời kỳ Bắc thuộc để chống lại sự áp bức, bóc lột của phong kiến phương Bắc giành lại nền độc lập và đấu tranh bảo tồn, tiếp thu có chọn lọc văn hoá du nhập từ bên ngoài để phát triển nền văn hoá dân tộc.